Bố mẹ cần biết nói lời xin lỗi

Cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng. Mặc dù họ biết, nhưng rất ít khi phụ huynh nói lời xin lỗi con.

Đa số cho rằng, chỉ có con phải xin lỗi bố mẹ chứ mấy khi bố mẹ cần xin lỗi con. Không ít người áp đặt suy nghĩ “người lớn luôn đúng” nên các ông bố bà mẹ hiếm khi dành cho con mình những lời xin lỗi.

Tiến sĩ tâm lý Amanda Morin đã chia sẻ một số cách sau khiến việc nói lời xin lỗi con sẽ trở nên dễ dàng đối với các bậc cha mẹ.

Bố mẹ cần biết nói lời xin lỗi

1. Xin lỗi con – tôn trọng mình

Trong mắt con cái, bố mẹ luôn là những người hiểu biết tất cả bởi chúng luôn được họ giải đáp hầu hết mọi thắc mắc. Với sự ngây thơ của trẻ, bố mẹ nói gì cũng đúng, cũng dung nhập vào tâm hồn bé.

Nhưng cha mẹ cũng là những người bình thường, cũng có lúc cư xử không phải với bé.
Điển hình là việc “giận cá chém thớt” kiểu như: khó chịu với chồng, đem con ra chửi mắng; công việc không như ý cũng trút cả vào con…

Những lúc như thế, sau khi cơn nóng giận qua đi, bạn cần một lời xin lỗi con chân thành nhất. Bởi như vậy, nó thể hiện sự tôn trọng chính bản thân bạn. Bạn đừng ngần ngại, các bé rất “khoan dung” và sẽ “mở lòng” hơn khi nghe lời xin lỗi của bạn chứ không “lầm lì” như khi bị trách mắng.

2. Xin lỗi con – đừng vòng vo

Bạn hãy nói lời xin lỗi với con thật ngắn gọn và đúng trọng tâm. Đừng vòng vo kiểu như “vì công việc của mẹ nặng nề quá”, “vì bố con làm mẹ bực tức quá”… mà nên vào thẳng vấn đề để nhận được tình cảm và sự sẻ chia thực sự của con cái.

Bạn hãy nói: “Mẹ đã sai khi quát mắng con. Con cho mẹ xin lỗi”, sau đó, có thể tâm sự với con về những lý do khiến bạn phải nổi cáu với chúng.

3. Lắng nghe con nói

Sau khi nói lời xin lỗi, bạn hãy lắng nghe con. Nếu con bạn tức giận, hờn dỗi hay òa khóc… bạn cũng lắng nghe chân tình bởi bé xứng đáng được nhận điều đó.

Hãy để con bạn thể hiện cảm xúc vì qua đó, bạn sẽ ngẫm lại bản thân và rút ra bài học kinh nghiệm giúp hiểu và gần gũi con hơn.

4. Trước những người liên quan

Nếu khi trút sự nóng giận lên con cái mà có mặt những người khác, bạn phải tìm cơ hội xin lỗi bé trước những người đã từng chứng kiến sự việc.

Hành động đó sẽ khiến bé cảm thấy được tôn trọng và cảm nhận được sự chân thành trong lời xin lỗi của bố, mẹ nên dễ dàng “tha thứ” hơn.

5. Đưa ra giải pháp

Bố mẹ không thể lúc nào cũng nói ra lời xin lỗi con mỗi khi làm sai. Việc cần thiết là bạn phải tiết chế hành động của mình ngăn không để xảy ra tình trạng tương tự. Bạn hãy thỏa thuận với con, chẳng hạn như: “Khi bố đi làm về, con hãy ngoan nhé…”.

6. Lặp lại lời xin lỗi

Nếu con vẫn quay mặt đi khi bạn nói lời xin lỗi, bạn hãy nhìn thẳng vào mắt bé và nói thật chân thành.

Có thể, bạn chưa nhận được ngay cái ôm của con vì bé còn đang bị “tổn thương”, nhưng bạn sẽ có được điều đó nếu biết chờ đợi và chân thành lặp lại lời xin lỗi.

Tình cảm máu thịt và tình yêu đối với cha mẹ trong bé sẽ giúp con nhanh “bỏ qua” cho bố mẹ ngay sau đó.