Ngày tết và nỗi ám ảnh của sinh viên

Tết Nguyên Đán đang đến gần, bên cạnh niềm vui được đón chào năm mới, sum hop cùng gia đình cũng là thời điểm các bạn sinh viên đối mặt với nhiều nỗi lo lắng, ám ảnh.

Nợ nần

Cuối năm nhu cầu mua sắm của mọi người tăng cao nên các con nợ luôn bị ráo riết "hỏi thăm". Tú (ĐH Thương Mại) đang đau đầu vì khoản nợ vay bạn để đóng học phí suốt 1 năm trời chưa trả được. "Mình vay cũng đã lâu, đến cuối năm, bạn ấy cũng nhiều lần hỏi mà mình không biết xoay làm sao."

Ngày tết và nỗi ám ảnh của sinh viên

Cũng khó xử không kém là Nga (ĐH Văn hóa) trót cho bạn trai cầm chiếc xe máy, Tết đến, cô nàng cần xe để về quê mà khi hỏi thì bạn trai vẫn gãi đầu gãi tai vì chưa biết xoay xở thế nào.

Tết nhất cũng là thời điểm khó khăn cho cả con nợ và chủ nợ sinh viên, vì hầu hết đều không có thu nhập, khoản chi phí thường ít ỏi chỉ đủ để mua vé tàu xe về quê và mua chút quà cho gia đình.

Rỗng ví

Viêm màng túi luôn là căn bệnh trầm kha của sinh viên đặc biệt là dịp giáp Tết, nhu cầu chi tiêu, mua sắm của các bạn cao hơn rất nhiều. Yến (trường ĐH Công nghiệp) cho hay : "Quê mình ở Nghệ An nên tiền vé xe về rất đắt đỏ, chưa kể mình cũng muốn mua cho cha mẹ, ông bà và các em ít đồ nhưng cũng không có đủ tiền mua. Giáp Tết thời tiết lạnh, đến đồ ăn thức uống cũng tăng giá đáng kể nên mình chi tiêu gì cũng phải dè sẻn."

Học tập

Nếu các sinh viên khác có thể "kê cao gối" sau kỳ thi, thì Minh (Học viện Tài chính) lại gặp tình huống rất éo le vì trót ngủ quên trong ngày thi nên cậu bạn phải ôn thi để thi lại nếu không muốn học lại với các bạn khóa sau. "Nhìn các bạn được về quê hết mà lòng mình rất ghen tỵ. Đến lúc giáp Tết, khi nhìn các bạn trong lớp, trong xóm trọ lần lượt khăn gói về quê mà mình chẳng còn tâm trạng để ôn thi nữa."

Hoặc như Như Anh ( SV năm cuối Học viện Báo chí & Tuyên truyền) thì Tết năm nay cô nàng cũng ăn không ngon ngủ không yên vì chưa đạt chỉ tiêu tin, bài thực tập lẫn khóa luận tốt nghiệp vẫn chưa "ra đâu vào đâu".

Khi mọi người gần như đã gác hết sách vở để quây quần bên gia đình, tập trung "ăn chơi" với bạn bè, Như vẫn phải ở lại phòng trọ để vùi đầu vào khóa luận của mình.

"Điểm khóa luận rất quan trọng nên mình không thể coi nhẹ. Vì đề tài vướng mắc khá nhiều vấn đề nên mình cứ thấp thỏm không yên. Lẽ ra giờ này đã có thể buông xuống, tận hưởng không khí sôi nổi cuối năm thì mình lại như bà già, phải dành thời gian để tìm kiếm thêm tài liệu và chỉnh sửa mất nhiều thời gian", cô bạn cho biết.

Đạo chích tại các xóm trọ

Dịp Tết Nguyên Đán cũng là thời điểm hầu hết các xóm trở nên vắng hoe trong vòng nửa tháng. Vì không có ai trông nom, cổng cửa lỏng lẻo không an toàn nên các xóm trọ thường xuyên là địa điểm được những tên đạo chích nhòm ngó.

Năm ngoái, Linh (SV Đại học Sư phạm Hà Nội) và bạn cùng phòng chỉ biết đứng nhìn nhau khi trở lại phòng trọ và thấy cánh cửa phòng trọ bị cạy từ lúc nào, phòng trọ bị lục lọi và lấy đi cả nồi cơm điện, bình và bếp gas... những thứ không bán được quá nhiều tiền nhưng hai cô bạn cũng mất khá nhiều tiền để mua lại.

Năm nay, Linh và bạn mình vẫn còn thấp thỏm lo lắng dù đã chuyển phòng trọ, lúc sắp về quê, cô bạn đã rủ nhau đi gửi đồ tại một phòng trọ an ninh hơn. "Lo chứ, mất một lần nên mình vẫn còn ám ảnh lắm. Mong các bạn sinh viên khác cẩn trọng hơn khi bảo quản đồ đạc trước khi về quê."