Đây là vấn đề rất phổ biến của các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi tới trường khi họ rất nỗ lực trong việc chăm sóc, giáo dục nhưng vì con đã lớn, tiếp xúc xã hội nhiều nên không thể kiểm soát được mọi hành vi của con.
Nguyên nhân nghiện game xuất phát từ:
Yếu tố cá nhân:Tâm lý không ổn định, nhận thức chưa đầy đủ, thiếu kiểm soát về thời gian sử dụng và mục đích khi đến với game.
Yếu tố gia đình:Bố mẹ không thường xuyên tìm hiểu nhu cầu, mong muốn, lắng nghe và tôn trọng con, thiếu gương mẫu trong lối sống; chưa hiểu rõ tâm lý lứa tuổi; thiếu quan tâm hoặc quá cưng chiều. Yếu tố xã hội:Môi trường sống, sinh hoạt không lành mạnh; bị rủ rê...
Trẻ nghiện game có những biểu hiện như khí sắc trầm cảm, mất hứng thú và tập trung vào các hoạt động khác, mất ngủ, rối loạn tâm thần vận động hoặc thường xuyên đau đầu, hoa mắt.
Bên cạnh đó, trẻ chơi game liên tục không biết điểm dừng, bỏ bê việc khác, tìm mọi cách kiếm tiền để chơi game. Một số trẻ có biểu hiện tiêu cực với hành vi, lời nói liên quan đến game, đưa game vào đời sống thực, hay chán nản, hoang tưởng... và thích cảm giác mạnh/bạo lực.
Bỏ game cần thời gian nhưng để hạn chế việc chơi game trước hết cần giúp các em nhận thức đầy đủ về ảnh hưởng của game bằng cách dặn dò hằng ngày và cho con các ví dụ...
Ngoài ra nên lập thời gian biểu và quản lý thời gian của con. Tốt nhất nên cùng con chơi các game lành mạnh và quy định rõ thời gian và điều kiện chơi game, theo dõi chặt chẽ việc chơi game của con. Bố mẹ nên thường xuyên động viên, khuyến khích con tham gia những hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh.
Hạn chế tối đa thời gian rỗi của con, tạo không khí hòa thuận, đoàn kết trong gia đình bằng cách luôn cùng nhau làm việc gì đó. Bố mẹ nên kết hợp cùng thầy cô quản lý thời gian và tiến trình học tập của con để nhắc nhở, động viên.
Đồng thời, tạo điều kiện cho con tham gia vào các hoạt động chung của trường lớp, tạo ra nhóm bạn học tập cho con.