Bitcoin trong con mắt người Việt cơ hội và rủi ro

Bitcoin đang trở thành tâm điểm chú ý khi giá trị tăng chóng mặt. Trên một số sàn giao dịch tiền ảo lớn như Bittrex, poloniex.com, wex.nz,... lượng truy cập từ Việt Nam luôn nằm trong top 5.

Pháp luật Việt Nam hiện không công nhận Bitcoin (BTC) là tiền tệ hay hàng hóa nhưng việc gần đây giá đồng tiền này liên tục tăng mạnh, lập các kỷ lục đã gây nên sự tò mò, thậm chí hoạt động mua bán, giao dịch BTC tại Việt Nam ngày càng lan rộng và sôi nổi

Giá bitcoin tăng chóng mặt, người Việt đổ xô vào Bitcoin không thua gì thế giới

Việc Bitcoin ngày càng được công nhận nhiều hơn càng khiến cho niềm tin của giới đầu tư vào tương lai của đồng tiền ảo này thêm được củng cố. Với sức hấp dẫn như vậy, các nước châu Á trong đó có Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ, ngày càng quan tâm tới Bitcoin.

Theo công ty nghiên cứu thị trường CryptoCompare, vào cuối tháng 11, có 80% giao dịch mua bán Bitcoin là từ châu Á; nội bật là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam.

Theo thống kê của Google Trend, Việt Nam đứng thứ 38 trong top 100 các nước/khu vực trên thế giới có lượt tìm kiếm từ khóa Bitcoin nhiều nhất trong tháng 11. Các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines, Indonesia cũng có lượt tìm kiếm nằm trong top 50 trên thế giới.

Bitcoin trong con mắt người Việt cơ hội và rủi ro

Lượng tìm kiếm tăng đột biến vào giữa tháng 11, cũng là thời điểm Bitcoin đang có đà tăng mạnh. Các từ khóa được người Việt tìm kiếm nhiều về Bitcoin như: giá bitcoin ngày hôm nay, cách đầu tư bitcoin, giá bitcoin hôm nay, mua bitcoin ở đâu,…

Mặc dù tại Việt Nam, BTC không được pháp luật công nhận là phương tiện thanh toán nhưng trước sự tăng trưởng giá trị quá nhanh, nhiều người đã dùng bitcoin cho các giao dịch ngầm. Thậm chí, hồi tháng 10 năm nay đại học FPT còn có ý định chấp nhận cho các sinh viên nước ngoài được thanh toán học phí bằng Bitcoin.

Cơ hội “phát tài” và nguy cơ rủi ro luôn trực chờ.

Trên thế giới, nhiều nhà phân tích tin rằng Bitcoin có khả năng sẽ trở thành bong bóng tài chính lớn nhất trong lịch sử. Trong khi các đồng tiền thông thường sẽ được kiểm soát bởi Chính phủ, Ngân hàng, Bitcoin lại do các nhà đầu tư tư nhân điều tiết.

Còn ở Việt Nam, ngày 28/10/2017, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các cơ quan báo chí, khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Mua bán Bitcoin có thể gặp nhiều rủi ro vì giá của đồng tiền này khó dự báo trước sẽ tăng hay giảm trong tương lai. Hơn nữa, hiện nay chưa có khung pháp lý cho giao dịch Bitcoin, nếu sàn BTC sập sẽ không có ai đứng ra phân xử.

Ví dụ trường hợp sàn BTC-e bị sập vào cuối tháng 7 và thông tin một quản trị viên quan trọng của sàn này bị bắt vì cáo buộc rửa tiền đã khiến giới đầu tư trên khắp thế giới, trong đó có cả Việt Nam phải hoang mang khi cả “núi tiền” bị mắc kẹt, không biết xử lý như thế nào.

Bất chấp chi phí không phải nhỏ, nhiều rủi ro và các khuyến cáo được đưa ra, nhưng với sự tăng giá “chóng mặt” chưa từng có trong lịch sử của Bitcoin khiến nhiều người vẫn lao vào tìm kiếm cơ hội làm giàu.